1. Đặt vấn đề
Để sản xuất xanh, sạch, doanh nghiệp cần phải tiêu tốn khoản kinh phí không nhỏ để đầu tư xử lý chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Những năm qua, nhất là khi thời điểm kinh tế khó khăn, không ít doanh nghiệp đã không chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường. Vì thế tình trạng gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng.
Bảo vệ môi trường không phải là đi ngược lại với việc giảm lợi nhuận doanh nghiệp hoặc tăng giá thành sản phẩm. Hai lĩnh vực này không phải lúc nào cũng đối kháng nhau, mà nhiều lúc còn hỗ trợ cho nhau. Ở các nước phát triển, các sản phẩm đạt chứng nhận môi trường ISO:14000, mặc dù có thể có giá thành cao hơn các sản phẩm cùng loại, nhưng vẫn được người dân ưa thích sử dụng do họ có ý thức cao đối với việc bảo vệ môi trường.
Mặc dù mục đích cuối cùng của doanh nghiệp là lợi nhuận, nhưng các doanh nghiệp cần quan tâm hơn nữa và có sự đầu tư thích hợp tới các khía cạnh về môi trường để có thể phát triển một cách bền vững. Phát huy được vai trò của các doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường chính là giải pháp then chốt nhằm giải quyết các áp lực về môi trường hiện nay.
2. Thực trạng doanh nghiệp với vấn đề bảo vệ môi trường
Việt Nam hiện đang bước vào thời kỳ phát triển mới, nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ cao. Nhờ chính sách mở cửa, tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy, công trình đã và đang mọc lên trên mọi miền đất nước.
“Năm 2019 Việt Nam được các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đánh giá là quốc gia có nền kinh tế ổn định và tăng trưởng nhanh trong khu vực và trên thế giới, với những “điểm sáng” thật sự nổi bật điển hình là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt trên 6,8%, trong khi nền kinh tế toàn cầu đang có dấu hiệu chững lại (Kinh tế và dự báo, 2019). Cùng với đó, việc thu hút đầu tư và phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả tích cực. Nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất, nhiều nhà máy, công trình đã và đang mọc lên trên mọi miền đất nước.
Tính đến nay, cả nước đã có hơn 335 khu công nghiệp và khu chế xuất (Kinh tế và dự báo, 2019), hình thành một hệ thống các khu công nghiệp phân bố ở tất cả các tỉnh, thành phố. Năm 2019 của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng và phát triển, đóng góp gần 59% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (Kinh tế và dự báo, 2019).
Trong hơn một thập kỷ qua, tốc độ tăng trưởng công nghiệp hàng năm từ 15 – 17% góp phần rất lớn vào tăng trưởng kinh tế của cả nước. Bên cạnh mặt tích cực, quá trình công nghiệp hóa cùng với sự bùng nổ các hoạt động thương mại, dịch vụ đã gây nên những tác động môi trường không nhỏ. Tình trạng ô nhiễm các môi trường ngày càng nghiêm trọng, nhất là ở khu công nghiệp, các địa bàn tập trung đông dân cư.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam đều chưa thực hiện tốt các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường. Vì mục tiêu lợi nhuận, nên các doanh nghiệp thường không muốn đầu tư cho các quy trình sản xuất sạch hoặc xử lý chất thải gây tốn kém. Các doanh nghiệp xem đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường là khoản đầu tư bắt buộc, không sinh lời, thậm chí còn giảm khả năng cạnh tranh, do phải tăng chi phí đầu vào của sản xuất.
Dưới góc độ quản lý xã hội, chính phủ cũng đã đưa ra thể chế và tiến hành kiểm tra giám sát quá trình hoạt động của các doanh nghiệp nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Khuôn khổ pháp lý là cần thiết, nhưng ý thức tự giác của các doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ môi trường cũng đóng một vai trò quan trọng. Tuy nhiên, một số nhà lãnh đạo doanh nghiệp không nhận thức được vai trò của mình trong quá trình phát triển và điều đó đã làm hạn chế quá trình hợp tác trong việc bảo vệ môi trường.
Sự thiếu vắng hệ thống chính sách hợp lý hiệu quả về môi trường đã làm cho các nhà kinh doanh cảm thấy họ bị bất lợi nếu như họ tuân thủ chính sách bảo vệ môi trường. Họ lập luận không thể cạnh tranh về mặt tài chính với các công ty không tuân theo tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường. Khi tham gia đấu thầu họ thường bị thua bởi vì phải gánh chịu chi phí về bảo vệ môi trường. Vì vậy, tình trạng không chịu nộp phí bảo vệ môi trường xảy ra rất nhiều trong doanh nghiệp. Có nhiều trường hợp Chi cục đã cử cán bộ đến từng doanh nghiệp làm việc trực tiếp lãnh đạo nhưng các đơn vị này vẫn không thực hiện nộp phí.
Biện pháp xử phạt mạnh nhất đang áp dụng với những trường hợp cố tình không đóng phí bảo vệ môi trường chỉ là xử phạt hành chính, mức phạt cao nhất cũng chỉ vài triệu đồng, thấp hơn mức phí mà doanh nghiệp phải nộp nên nhiều doanh nghiệp chấp nhận nộp phạt thay vì nộp phí.
Cả nước hiện chỉ có 33 khu công nghiệp đã có công trình xử lý nước thải tập trung. Các khu Công nghiệp, chế xuất này thải ra hàng triệu tấn rác thải mỗi năm, trong đó có hàng vạn tấn chất thải nguy hại. Hàng năm, các nhà máy trong khu Công nghiệp, khu chế xuất tại TP. Hồ Chí Minh thải ra gần 70.000 tấn chất thải rắn. Con số này tăng lên gấp 10 lần nếu tính cả các nhà máy ngoài khu Công nghiệp. mỗi ngày thành phố thải ra trung bình 1.500 – 2.000 tấn chất thải công nghiệp và chất thải công nghiệp nguy hại cần phải xử lý (Phòng Quản lý chất thải rắn – Sở Tài nguyên – Môi trường TP. HCM năm, 2014).
Khi doanh nghiệp chỉ coi trọng lợi nhuận trước mắt mà không nghiêm túc thi hành luật pháp trong bảo vệ môi trườngthì xã hội, người dân và thế hệ sau sẽ phải gánh chịu hậu quả. Ngày nay doanh nghiệp không thể coi vấn đề môi trường là ngoại vi, không quan trọng hay không cần thiết trong mọi họat động của mình nữa, mà bảo vệ môi trường trong doanh nghiệp có ảnh hưởng vào mục tiêu chủ yếu của doanh nghiệp, đó là mức lãi doanh thu tài chánh trong hạch toán các sản phẩm của doanh nghiệp (Nguyễn Đức Hiệp, 2008).
Có trách nhiệm về môi trường không những làm hình ảnh và sản phẩm của công ty được người tiêu dùng đánh giá cao và thương hiệu có giá trị mà còn có thể giảm đi giá thành tiết kiệm được nhiên liệu, giảm giá hoạt động của công ty mình (Nguyễn Đức Hiệp, 2008).
3. Lợi ích khi doanh nghiệp tích cực bảo vệ môi trường, một số ví dụ cụ thể
Bài viết sẽ giải thích tại sao việc tham gia trực tiếp và tích cực của doanh nghiệp trong việc bảo vệ môi trường không chỉ có lợi cho sự bền vững lâu dài mà còn là nhu cầu cấp thiết trong việc kinh doanh
Thứ nhất, nếu các doanh nghiệp muốn tiếp tục tăng cường đầu ra,họ phải có đầu vào ổn định. Nhiều ngành công nghiệp dựa trên các nguồn tài nguyên có chất lượng cao, nguồn tài nguyên bị thiệt hại sẽ làm tăng chi phí sản xuất.
Thứ hai, việc tiếp cận ban đầu và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Thực tiễn về môi trường của các ngành công nghiệp và kinh doanh đang ngày càng trở thành một nhu cầu về sự thay đổi của người tiêu dùng ngày nay. Người tiêu dùng quốc tế nhấn mạnh đến bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, giữ độ bền của sản phẩm và thỏa mãn các nhu cầu xã hội. Trong khi đó người tiêu dùng bản xứ ngày càng đòi hỏi các doanh nghiệp phải có trách nhiệm về môi trườngNhờ những nỗ lực không mệt mỏi trong hoạt động môi trường suốt từ khi thành lập đến nay, Sony đã giành giải nhất “Doanh nghiệp Xanh”.
Hiện nay, các sản phẩm điện tử do Sony sản xuất đều không sử dụng chì trong các mối hàn để đảm bảo tính thân thiện môi trường của sản phẩm. Các linh kiện đầu vào được Sony kiểm tra kỹ lưỡng trước khi đưa vào quy trình sản xuất để đảm bảo không có chất độc hại cadmium. Các hợp đồng được ký kết với các nhà “Cung cấp Xanh” để có được các linh kiện “sạch”, không chứa các chất độc hại nhằm mục tiêu cuối cùng là những thành phẩm mang nhãn hiệu Sony thân thiện với môi trường (Nguyên Vũ, 2007).
Bên cạnh việc thực hiện quy trình sản xuất “sạch”, Sony còn là một doanh nghiệp luôn hướng đến hoạt động môi trường mang tính cộng đồng.Ngay từ những năm đầu mới thành lập, công ty đã từng bước xây dựng hệ thống ISO 14001, thiết lập các hệ thống quản lý môi trường trong công ty song song với việc tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường bên trong và bên ngoài công ty. Giải thưởng “Phát minh Xanh Sony” được bắt đầu từ năm 2000 và đến nay đã trở thành một giải thưởng uy tín nhất dành cho sinh viên các trường đại học trong cả nước có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực bảo vệ môi trường (Ái Vân, 2020).
Để đáp ứng đòi hỏi ở một số thị trường xuất khẩu, một số công ty, doanh nghiệp Việt Nam như: Công ty dệt Phong Phú Quận 9, Công ty Việt Tiến, Công ty Hải sản Bình An, Cần Thơ, Nhà máy sản xuất xi măng Hà Tiên 2, Cần Thơ… đã áp dụng hệ chuẩn ISO 14001 và có những kết quả khả quan trong sự cạnh tranh ở các thị trường quốc tế.
Các chuẩn trong hệ chuẩn ISO 14001 mà các doanh nghiệp lớn và nhỏ có thể áp dụng chủ yếu liên quan đến thiết lập hệ thống quản lý môi trường, thanh lý môi trường, nhãn hiệu thân thiện với môi trường trên sản phẩm ISO 14001, đánh giá hiệu suất về môi trường, đánh giá vòng đời sản phẩm. Mặc dù không bắt buộc phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn này trong giao thương quốc tế, song một doanh nghiệp được cấp chứng chỉ ISO 14.001 sẽ có lợi thế trong chiến lược cạnh tranh.
Trong 24 năm có mặt tại Việt Nam, TMV -Toyota Việt Nam – luôn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm giảm thiểu tối đa các ảnh hưởng về môi trường trong toàn bộ vòng đời của sản phẩm từ sản xuất đến bán hàng và sử dụng. Chính sách môi trường của TMV được triển khai và phát triển đã đem lại hiệu quả cao: Không có các vi phạm và khiếu nại liên quan đến môi trường; giảm thiểu các chỉ số về lượng phát thải khí CO2, chất thải, lượng tiêu thụ nước và chất hữu cơ dễ bay hơi.
Mục tiêu tới năm 2050, TMV hướng đến (1) giảm phát thải CO2 trên các mẫu xe mới (2) Loại bỏ phát thải CO2 trong toàn bộ vòng đời xe (3) Nhà máy không phát thải CO2 (4) Sử dụng hiệu quả nguồn nước (5) Xây dựng công nghệ và hệ thống tái chế (6) Xây dựng xã hội hài hòa với thiên nhiên. Đặc biệt, chính sách này còn áp dụng với các tổ chức, cá nhân, các nhà thầu, đại lý và nhà cung cấp có hoạt động kinh doanh và hợp tác với TMV (Toyota Viet Nam, 2020).
Panasonic cũng thực hiện giảm thiểu tối đa ảnh hưởng từ những hoạt động kinh doanh tới môi trường và giới thiệu ra thị trường những công nghệ mới ít gây ô nhiễm. Panasonic cam kết hạn chế mọi tác động của hoạt động sản xuất kinh doanh đến môi trường xung quanh và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường cũng như các tiêu chuẩn môi trường của Việt Nam. Trong quá trình sản xuất kinh doanh, các công ty con chú trọng tới việc giảm thiểu hoặc loại bỏ sử dụng những chất độc hại, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và xác lập các mục tiêu trong những ngành như: kho vận “Xanh”; thu mua “Xanh”, phát triển nhà máy “Xanh” (Panasonic Viet Nam, 2020).
4. Một số đề xuất giải pháp thúc đẩy doanh nghiệp tham gia bảo vệ môi trường
– Doanh nghiệp cần thay đổi nhận thức về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường trong lĩnh vực thương mại nói riêng, tiến tới thay đổi hành vi của doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt áp dụng giải pháp công nghệ sạch.
– Tăng cường tuyên truyền, phổ biến để nâng cao nhận thức, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường gắn với tăng trưởng xanh nhằm hướng đến phát triển bền vững.
– Nghiên cứu thiết lập các công cụ kinh tế và cơ chế tài chính đột phá nhằm huy động các nguồn lực xã hội hóa cho bảo vệ môi trường. Vận dụng linh hoạt các công cụ kinh tế phù hợp với thực tiễn Việt Nam như các loại thuế, phí, đặt cọc hoàn trả, quyền phát thải và mua bán phát thải theo hạn ngạch cho bảo vệ môi trường để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp.
– Hoàn thiện tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương tới địa phương, tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành và địa phương trong việc thanh tra, kiểm tra và xử lý kịp thời các vi phạm về môi trường trong các doanh nghiệp, tăng vai trò giám sát và phối hợp của người dân và các cơ quan quản lý địa phương đối với doanh nghiệp trong công tác bảo vệ môi trường.
– Rà soát, chỉnh sửa và bổ sung nhằm tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả và tính thực thi của các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp kết nối với tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
5. Kết luận
Trong xu thế hội nhập với nền kinh tế thế giới mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp Việt. Đầu tư cho đổi mới công nghệ, sử dụng tài nguyên và năng lượng hiệu quả để tạo ưu thế cạnh tranh và góp phần bảo vệ môi trường là con đường phát triển tất yếu. Để thực hiện mục tiêu phát triển xanh, không nhất thiết doanh nghiệp phải đầu tư trang thiết bị hiện đại để giảm thiểu khí thải, tạo ra sản phẩm thân thiện với môi trường. Chỉ bằng những hành động đơn giản như chấp hành tốt quy định bảo vệ môi trường, cải tiến quy trình sản xuất để giảm nguyên nhiên liệu, điện; quan trọng nhất là ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm, nguyên vật liệu thân thiện với môi trường là đã giúp thực hiện được mục tiêu này.
Bài viết đã nêu thực trạng và giải pháp nhằm thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp đối với vấn đề bảo vệ môi trường. Khi doanh nghiệp tham gia đầu tư vào bảo vệ môi trường sẽ góp phần tạo ra sự tin tưởng của xã hội và người tiêu dùng đối với chính doanh nghiệp, chính những sản phẩm của doanh nghiệp làm ra. Hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được nâng lên, thị trường tiêu thụ các sản phẩm sẽ bền vững hơn. Việc thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ giúp các doanh nghiệp có môi trường làm việc an toàn, mang đến lợi ích về sức khỏe cho cán bộ công nhân viên. Bên cạnh những đóng góp to lớn trong sự phát triển kinh tế – xã hội, các doanh nghiệp cần chủ động và mạnh mẽ hơn nữa trong việc bảo vệ môi trường.