“Xanh hoá” ngành dệt may.

Sử dụng năng lượng sạch, thực hiện các trách nhiệm về môi trường, “xanh hóa” là yêu cầu quan trọng được đặt ra với ngành dệt may để cạnh tranh với hàng trăm thương hiệu may mặc lớn trên thế giới, giữ được đà tăng trưởng và mở ra những cơ hội trong tương lai.

Muốn tăng trưởng bền vững, buộc phải “xanh hóa”

Theo số liệu báo cáo của Hiệp hội Dệt May Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành dệt may là 25,584 tỷ USD, giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu là do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên thế giới làm đứt gãy thương mại quốc tế, đơn hàng giảm mạnh, nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của ngành giảm sâu. Trước đó, nhiều năm liền, tốc độ tăng trưởng của dệt may Việt Nam đều ở con số ấn tượng. Năm 2019, dù được đánh giá là một năm khá “sóng gió” với ngành dệt may Việt Nam nhưng tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 39 tỷ USD, tăng trưởng 7,55% so với năm 2018, giá trị thặng dư thương mại đạt mức lớn nhất từ trước đến giờ với 17,7 tỷ USD. Việt Nam cũng đã ghi tên mình là nhà xuất khẩu dệt may lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ.

Từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2007 đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó đã ký kết 13 FTA và đang đàm phán 3 FTA. Việc ký kết các FTA, đặc biệt là các FTA thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) đã, đang và sẽ thúc đẩy dòng chảy hội nhập, mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho ngành dệt may Việt Nam. Tuy nhiên, các FTA thế hệ mới cũng đặt ra những thách thức cho các doanh nghiệp trong ngành do luôn đi kèm các tiêu chí, ràng buộc về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, trách nhiệm với môi trường, cộng đồng. Để có thể tận dụng tốt “đòn bẩy” FTA, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dòng chảy hội nhập toàn cầu, giữ đà tăng trưởng bền vững và tiếp tục tạo sự bứt phá, các doanh nghiệp trong ngành không chỉ phải nỗ lực cải thiện về chất lượng sản phẩm mà buộc phải “xanh hóa” cả quá trình sản xuất.

Xu hướng hiện nay, các thương hiệu may mặc lớn trên thế giới – đối tác đặt đơn hàng của ngành dệt may Việt Nam – đang chuyển sang ưu tiên các doanh nghiệp xanh. Những doanh nghiệp gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất, không áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, tài nguyên thiên nhiên… có nguy cơ bị ngưng tiếp nhận đơn hàng hoặc bị từ chối đặt hàng. Cùng với đó, người tiêu dùng trên toàn cầu cũng ngày càng quan tâm đến trách nhiệm với môi trường của doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm. Trong khi đó, theo một số liệu thống kê, 148 thương hiệu may mặc lớn trên thế giới đã tham gia sáng kiến sử dụng năng lượng sạch, bắt đầu triển khai vào năm 2022 (số liệu từ năm 2018, đến nay rất có thể đã tăng lên nhiều). Đây đều là những thách thức, đồng thời cũng là động lực để doanh nghiệp dệt may tự cải thiện, nắm bắt cơ hội và chuyển mình ấn tượng trong tương lai. Việc sử dụng năng lượng sạch trong hành trình “xanh hóa” còn giúp giảm áp lực an ninh năng lượng, góp phần vào mục tiêu chung là cắt giảm 8% mức phát thải khí nhà kính vào năm 2030 mà Chính phủ đã cam kết, đồng thời giúp đạt các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030, đặc biệt là các mục tiêu số 7, 8, 12…

Đầu tư chuyển đổi sử dụng năng lượng sạch, “xanh hóa” sản xuất – bài toán của nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tuy “xanh hóa” sản xuất, sử dụng năng lượng sạch và các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường là hướng phát triển bền vững, mở ra nhiều cơ hội bứt phá, giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh ở cả thị trường quốc tế lẫn thị trường nội địa nhưng lại đặt ra một bài toán về chi phí đầu tư, đặc biệt là với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số ý kiến cho rằng, để cải thiện hiện trạng sản xuất của doanh nghiệp dệt may Việt Nam theo hướng tăng trưởng xanh, rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ, các tổ chức tài chính, nhãn hàng dệt may…

Thời gian vừa qua, đã có một số doanh nghiệp dệt may Việt Nam tiên phong lắp đặt hệ thống điện mặt trời trên mái nhà xưởng để ưu tiên sử dụng năng lượng sạch, đồng thời hướng tới đồng bộ các giải pháp tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng bài toán tài chính vẫn là một thách thức với nhiều doanh nghiệp trên con đường “xanh hóa”.

Một tín hiệu đáng mừng, đã có một số chính sách hỗ trợ tài chính và các chương trình Tín dụng xanh từ các ngân hàng, tổ chức tài chính, quỹ dành cho các doanh nghiệp đầu tư hệ thống xử lý chất thải, tái sử dụng nước thải, đầu tư lắp đặt điện mặt trời, năng lượng tái tạo… Đặc biệt, các doanh nghiệp dệt may muốn sử dụng năng lượng sạch từ mặt trời có thể lựa chọn giải pháp BLT điện mặt trời, chỉ cần tận dụng mái nhà xưởng đang nhàn rỗi, không hề chiếm dụng vốn kinh doanh. Với giải pháp này, doanh nghiệp không phải đắn đo về vốn đầu tư, không cần lo khâu bảo trì, bảo dưỡng hệ thống, trong khi được dùng điện sạch với giá thấp hơn so với giá điện hiện hành của EVN, quan trọng hơn nữa là đáp ứng một tiêu chí về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Với những thuận lợi này, hi vọng trong thời gian tới, các doanh nghiệp dệt may sẽ nắm bắt tốt các cơ hội, chuyển mình thành công và tiếp tục cùng ngành dệt may Việt Nam đạt những thành tựu mới, góp phần phát triển nền kinh tế – xã hội nước nhà.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *